Mụn chính là nỗi ám ảnh của rất nhiều người hiện nay, đặc biệt là các bạn gái. Với nhiều người, nặn mụn là một trong những thói quen giúp cho da nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó chịu, giúp họ tự tin hơn khi xuất hiện trước đám đông. Tuy nhiên các bác sĩ da liễu khuyến cáo không nên nặn mụn vì có thể dẫn đến viêm nhiễm, xuất hiện thêm nhiều mụn, các vết thâm, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.
Vì vậy, nhiều người sẽ thắc mắc rằng: “Có được nặn mụn không? Các trường hợp nào thì được nặn mụn? Cách nặn mụn đúng cách không để lại sẹo thâm? Làm gì để bớt sưng đỏ sau khi nặn mụn? Sau khi nặn mụn nên làm gì?…”.
Tất cả sẽ được Trường Cao Đẳng Y Dược BQP bật mí trong bài viết dưới đây.
Contents
Mụn là gì?
Đầu tiên, chúng ta phải hiểu mụn là một loại bệnh da liễu do Hormon và hoạt động của các tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi dưới da bị rối loạn. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm, xuất hiện những tổn thương, u cục nhỏ trên bề mặt da, những khối u nhỏ này có thể đỏ hay sưng, gây cảm giác đau, khó chịu.

Bất kì vùng da nào trên cơ thể của chúng ta đều có thể bị mụn, nhưng đặc biệt vùng da mặt, lưng, cổ, ngực và vai là những vị trí dễ bị mụn nhất. Tuỳ theo vị trí, tình trạng rối loạn, viêm nhiễm mà có thể có các loại mụn như mụn bọc, mụn trứng cá, mụn mủ, mụn cóc hay mụn nước,…
Nếu không biết nặn mụn đúng cách có thể dẫn đến thâm và để lại sẹo vĩnh viễn.
Loại mụn nào được phép và không được phép nặn?
Những loại mụn được phép nặn
Nhiều người có thói quen cứ thấy mụn là nặn thôi, chả cần biết đó là loại mụn gì, liệu mình có nên nặn, bây giờ đã phải thời điểm thích hợp để loại bỏ mụn hay để mụn chín rồi tự bong ra.

Hãy thay đổi thói quen đó nhé! Trước khi quyết định nặn mụn, hãy quan sát tình trạng những nốt mụn trên da mình. Chỉ khi các nốt mụn của bạn có những dấu hiệu sau đây mới nên nặn:
- Đó là mụn trứng cá không viêm, mụn đầu đen (đầu mụn trồi lên trên bề mặt da và chuyển sang màu đen) hay mụn đầu trắng (nằm dưới bề mặt da)
- Nốt mụn nhỏ, không quá lớn cũng không bị sưng hoặc viêm.
- Mụn đã già với các biểu hiện như nhân mụn nổi rõ, đầu mụn đã khô.
Chú ý việc nặn mụn đúng cách và đúng lúc sẽ hạn chế tối đa tình trạng sưng viêm, hình thành nhiều mụn mới hay gây sưng đỏ, thâm sẹo trên da của bạn đấy.
Những loại mụn không nên nặn
Bên cạnh những loại mụn được phép nặn, có một số loại mụn dù bất cứ lý do nào bạn cũng không được phép nặn vì dễ dẫn đến thâm sẹo, khó điều trị. Đó là:

- Các loại mụn trứng cá đang ở tình trạng viêm: mụn đỏ, mụn mủ và mụn nốt nang.
- Mụn đang bị sưng đỏ: nếu tác động vào những nốt mụn này sẽ dễ gây trầy xước, đau và thậm chí làm tăng thêm tình trạng viêm nhiễm trên da.
- Mụn viêm, mụn bọc cũng không được phép nặn vì nhân của các loại mụn này thường có chứa dịch, mủ cùng rất nhiều vi khuẩn, nếu không cẩn thận các yếu tố này sẽ lan ra, gây mụn trên cả những vùng da xung quanh mà vết mụn cũ cũng khó lành.
- Các loại mụn không có đầu mụn muốn nặn thì cần phải có dụng cụ trích mụn. Điều này có thể gây tổn thương, hình thành sẹo ở da và cũng không đảm bảo an toàn, khả năng cao gây nhiễm trùng da.
Vì vậy nếu thật sự cần thiết, bạn có thể tìm đến các cơ sở thẩm mỹ nhờ họ giúp đỡ, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại kem trị mụn, kích thích đầu mụn chồi lên, mụn nhanh già,…
Quy trình nặn mụn đúng cách không để lại sẹo thâm
Chắc hẳn mọi người đều nghĩ Nặn mụn đơn giản mà, ai cũng làm được, cần gì phải học hỏi gì…. Đúng vậy, nặn mụn thì dễ nhưng để nặn mụn đúng cách, không gây viêm nhiễm, không để lại sẹo thâm thì không phải ai cũng biết làm.
Dưới đây là quy trình nặn mụn được các chuyên gia khuyến cáo để giảm thiểu tối đa tổn thương cũng như sẹo thâm trên da. Cố gắng thực hiện đầy đủ các bước theo đúng thứ tự, cách thức để bảo vệ làn da của bạn nhé.
Xác định loại mụn và thời gian nặn mụn
Đầu tiên bạn cần xác định loại mụn trên da của mình, lựa chọn thời gian thật chuẩn xác để nặn mụn. Đây là một bước vô cùng quan trọng. Những loại mụn nên nặn và không nên nặn đã được chúng tôi đề cập đến ở phần trước.
Thời điểm thích hợp nhất để loại bỏ nốt mụn là khi những nốt mụn trên da có kích thước nhỏ, ở mức độ nhẹ, chưa có tình trạng viêm hoặc đã chín. Bởi khi bị viêm, chỉ cần một kích thích nhỏ lên vùng bị viêm cũng khiến cho quá trình viêm nặng hơn, thậm chí bùng phát mạnh mẽ, lan rộng tạo những vết mụn mới… Ngược lại nốt mụn không bị viêm có thể dễ dàng loại bỏ mà vẫn đảm bảo an toàn cho làn da nếu như các bước sau đó được thực hiện một cách cẩn thận.
Vệ sinh tay, dụng cụ nặn mụn
Đây cũng là một bước không kém phần quan trọng, khi tay, vùng da bị mụn và các dụng cụ được vệ sinh sạch sẽ sẽ hạn chế tối đa sự tồn tại của vi khuẩn, giảm tình trạng viêm nhiễm, tổn thương và lan rộng vùng mụn.

Bàn tay chính là thứ cầm nắm các vật dụng, tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều yếu tố nguy cơ hàng ngày, hàng giờ. Do vậy, nếu không được vệ sinh thường xuyên, bàn tay sẽ trở thành một ổ vi khuẩn lớn, sẵn sàng gây bệnh nếu gặp được điều kiện thuận lợi.Hãy đảm bảo tay bạn đã được rửa sạch và khử trùng sạch sẽ với loại nước rửa tay chuyên dụng hoặc cồn,…
Chú ý vệ sinh vùng da bị mụn. Việc này không chỉ giúp loại bớt vi khuẩn cư trú trên da mà còn giúp bạn thấy rõ vết mụn hơn, tránh tình trạng nặn sai hoặc nặn nhầm các vết mụn đang bị viêm, mủ khác. Có thể dùng dung dịch sát khuẩn Povidine thấm ướt gạc hoặc bông tẩy trang để vệ sinh nhẹ nhàng, cẩn thận vùng da cần nặn mụn.
Ngoài việc phải vệ sinh tay, vùng da cần nặn mụn, chúng ta cũng không được bỏ qua các dụng cụ dùng để nặn mụn đâu nhé.
Có thể loại bỏ mụn trên da bằng máy hút mụn hay bộ dụng cụ nặn mụn. Dù lựa chọn cách thức nào đi chăng nữa thì việc vệ sinh cả hai sản phẩm này đều quan trọng. Đảm bảo vệ sinh các dụng cụ này thật cẩn thận trước khi sử dụng, tốt nhất nên sát khuẩn dụng cụ với cồn 90 độ.
Nặn mụn đúng cách và nhẹ nhàng
Dù đã được vệ sinh cẩn thận trước đó, nếu như bạn vẫn chưa đủ an tâm về bàn tay của mình thì hãy đeo găng tay y tế khi nặn mụn. Việc làm này sẽ giúp ngăn cản vi khuẩn ở tay tiếp xúc trực tiếp với nốt mụn, hạn chế viêm nhiễm.
Có 2 loại dụng cụ nặn mụn chính là máy hút mụn và bộ dụng cụ nặn mụn.
Máy hút mụn hoạt động bằng cách tạo ra một áp lực để có thể hút nhân mụn ra ngoài. Dụng cụ này hiện rất dễ tìm mua, cách sử dụng cũng khá đơn giản. Do vậy, loại máy này có thể là một dụng cụ hữu ích và tiện lợi dành cho bạn đấy.
Bộ dụng cụ nặn mụn gồm có nhiều dụng cụ có kích thước khác nhau, mỗi dụng cụ đều có công dụng khác nhau. trong đó một đầu là vòng thép giúp ép nhân mụn ra ngoài. Trong trường hợp mụn ẩn, khó nhìn, bạn có thể sử dụng lưỡi sắc nhỏ ở đầu còn lại của dụng cụ để tạo lỗ thông nhỏ, dễ dàng đẩy mụn ra bên ngoài.
Nếu như bạn không có 2 loại dụng cụ kể trên thì đôi tay linh hoạt, khéo léo sẽ giúp bạn làm điều đấy.
Bạn có thể dùng tay hoặc dụng cụ nặn mụn đã được vệ sinh sạch sẽ, an toàn ấn một lực vừa phải và xung quanh nốt mụn vừa nặn để đẩy cồi mụn ra ngoài. Sau đó, tiếp tục dùng lực mạnh hơn để có thể đẩy hết nhân mụn ra bên ngoài.
Chú ý đừng để sót lại nhân mụn dù chỉ là một chút vì nó có thể sẽ là mầm mống gây viêm nhiễm, tiếp tục hình thành những nốt mụn thậm chí có thể ẩn sâu, rất khó để có thể loại bỏ khỏi da mặt của chúng ta đấy. Trong trường hợp chân mụn cứng, ko trồi ra được cùng với nhân mụn, cần tăng lực tác động vào đầu mụn. Lưu ý lực không nên quá mạnh vì có thể gây trầy xước, tổn thương da.
Dùng nhíp gắp nhân mụn

Tiếp theo, hãy dùng nhíp hoặc các dụng cụ chuyên dụng khác tương tự để tách và loại bỏ hoàn phần nhân mụn ra khỏi da. Sau khi hoàn thiện bước này, dùng bông băng để thấm dịch, máu chảy ra trong quá trình nặn mụn, tránh lan, lây nhiễm cho các vùng khác.
Sau khi nặn mụn nên làm gì?
Vệ sinh da mặt sạch sẽ lại sau nặn mụn

Sau khi đã lau phần dịch và máu trên da, các bạn đừng quên vệ sinh lại vùng da vừa nặn mụn của mình một lần nữa để đảm bảo an toàn nhé.
Bạn nên dùng gạc vô trùng đã được thấm ướt bằng dung dịch Povidine nhẹ nhàng lau để sát khuẩn lại da và sử dụng một miếng gạc vô trùng khác có thấm nước muối sinh lí để có thể rửa sạch Povidine, tránh gây kích ứng, mẩn đỏ.
Chăm sóc da sau khi nặn mụn
Việc tổn thương da sau khi nặn mụn là điều không tránh khỏi nên chăm sóc da là bước không thể thiếu trong quy trình này. Bạn nên chăm sóc da một cách cẩn thận, tránh nguy cơ nhiễm trùng, giúp tái tạo và phục hồi vùng da bị tổn thương nhanh hơn.
Sau khi nặn, bạn có thể dùng kem trị mụn để bôi lên vùng da vừa nặn. Thuốc trị mụn không chỉ giúp trị mụn mà còn làm giảm sự phát triển của mụn, giảm tình trạng viêm đỏ, sưng tấy, gây cảm giác khó chịu. Những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên sẽ là lựa chọn vô cùng tốt với làn da mụn.
Ngoài ra, trong 1 đến 2 ngày đầu sau khi nặn mụn, bạn có thể sử dụng đá lạnh để chườm nhẹ nhàng vì nó cũng khá tốt trong việc giúp làm giảm tình trạng sưng tấy đấy.
Quy trình nặn mụn thật tiện lợi và cũng không quá phức tạp phải không nào.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hợp lí sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho làn da của bạn. Nên bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, rau củ quả,… vào chế độ ăn hàng ngày.

Chúng giúp cung cấp dưỡng chất, vitamin làm đẹp da và đặc biệt những sản phẩm chứa nhiều sắt như bông cải thịt bò,… giúp bổ máu, cải thiện tuần hoàn dưới da, giúp vết thương chóng lành hơn.
Hãy chú ý cung cấp đủ nước để làn da được mịn màng, sáng mướt, giảm thâm mụn nhé.
Kết hợp với lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, nhẹ nhàng cũng là một phương pháp hữu hiệu cải thiện sức khoẻ làn da, giảm căng thẳng, stress,…
Tránh những tác động xấu từ môi trường
Khói bụi, gió, ánh nắng mặt trời… đều là những yếu tố bất lợi với làn da. Do vậy, việc hạn chế những yếu tố này sẽ giúp làn da của bạn cải thiện rõ rệt hơn hẳn. Kem chống nắng, áo khoác cùng với khẩu trang sẽ là chiếc “áo giáp” hữu hiệu bảo vệ bạn khỏi vấn đề này.
Bên cạnh đó cũng cần tập cho mình thói quen tẩy trang, rửa mặt sạch sẽ sau khi makeup hay phải đi đến những nơi khói bụi, ô nhiễm nhé.
Sử dụng các loại mặt nạ, tinh chất dưỡng da
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm hay tinh chất dưỡng da dành cho da mụn mà bạn có thể tham khảo và lựa chọn như nha đam, tinh chất lựu, bơ,…
Hy vọng những kiến thức về mụn và cách nặn mụn để không bị thâm sẹo mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn có một làn da tươi khoẻ, mịn màng, không còn nỗi lo thâm sẹo, tự tin đứng trước đám đông.